Thế giới quan méo mó

FB Le Dung

Tôi thực sự giật mình khi bạn tôi đưa cho tôi cuốn Giáo dục công dân lớp 10. Cuốn sách được chia làm hai phần, "Công dân với việc hình thành thế giới quan, phương pháp luận khoa học" và phần kia là "Công dân với đạo đức".

Phải nhìn nhận một điều rằng dân tộc ta là một dân tộc nhỏ bé về mặt tư tưởng so với thế giới. Kể từ khi sử dụng văn tự để ghi chép lại, khoảng đầu đời nhà Lý cho đến bây giờ, dân tộc ta không sản sinh ra bất cứ một nhà tư tưởng nào đủ lớn để ghi dấu chân mình lên bản đồ triết học của thế giới. Vậy mà đập vào ngay bài đầu tiên, SGK đã áp đặt ngay cho người học một phạm trù, một khái niệm tiên chỉ "Thế giới quan duy vật và phương pháp luận biện chứng".

Thế giới chúng ta đang sống đã lớn lên nhờ kế thừa tư tưởng của hàng ngàn học giả vĩ đại khác nhau. Đúng ra, việc của cha mẹ, của giáo dục là cung cấp cho người học một thư viện tham khảo đủ lớn, đủ rộng để chúng tìm hiểu và lớn lên thì cuốn sách chỉ duy nhất trích dẫn triết học Mác - Lê-nin còn những tư tưởng khác thì không những không trích dẫn mà đôi chỗ còn bóp méo chúng đi một cách lệch lạc, phiến diện, có phần cay cú và mông muội.

Ví dụ ở trang 39 nói: "Các nhà triết học duy tâm cho rằng nhận thức do bẩm sinh hoặc do thần linh mách bảo mà có". Trời ạ, thế này mà bảo triết học là khoa học của các khoa học ư? Khoa học gì mà nói vừa u mê vừa hồ đồ vừa nông cạn vừa thiển cận thế? Các nhà đó là ai? Họ sống ở thế kỉ nào? Họ nói câu đó ở đâu, trong ngữ cảnh nào? Và nếu có, xin cho hỏi họ chiếm tỉ trọng bao nhiêu trong số các nhà triết học bị/được xếp vào rọ duy tâm?

Lối tư duy này thực ra rất phổ biến. Để tôi ví dụ các vị xem, đầy ra trên phương tiện thông tin đại chúng: "Khi tôi trao đổi, đa số nhân dân đều rất đồng tình", "toàn thể nhân dân Việt Nam đồng lòng ủng hộ nghị quyết 12 của đảng"… Anh gặp bao nhiêu trong 90 triệu người mà anh bảo đa số, anh hỏi người ta lúc nào mà anh bảo toàn thể? Cái này thuộc trường phái triết học Việt mang phong vị phồn thực và một phương pháp luận chỉ đúng khi não không hoạt động.

Các vị vẫn dạy về con đường đi đúng đắn của triết học là từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn. Thế giới quan như thế, hỏi những đứa trẻ lớn lên thành người ra sao?

Đúng ra các vị phải dạy cho người trẻ biết thế giới này rộng lớn nhường nào chứ không chỉ duy nhất một, duy chỉ một, và đúng đắn chỉ có một. Dù đồng mác Đức có giá trị nhưng ngoài mác ra còn đồng bảng, đồng đô-la và nhiều đồng tiền khác. Phải cho chúng biết, Mác thực ra là một phần rất nhỏ bé của triết học và bản vị tiền, vô cùng khiêm tốn trên nền tảng tư tưởng mà mức ảnh hưởng của nó đến nhân loại.

Các vị viết sách cho người trẻ là tương lai của đất nước học, là để chúng lớn lên, chúng hiểu biết hơn chúng ta chứ không phải để chúng dẫm lại cái nhận thức mông muội, khiếm khuyết của chúng ta. Đừng lúc nào cũng thế giới quan duy vật là tích cực và duy tâm là lỗi thời, kìm hãm (trang 7). Đó là những câu chụp mũ vô căn cứ và què quặt về nhận thức. Hãy dạy con cái chúng ta hiểu biết và trung thực trước tri thức của nhân loại để chúng thấy mình nhỏ bé. Thay vì học vấn vốn dĩ đã khiếm khuyết thì chớ, lại còn dạy chúng cách tư duy lí luận chụp mũ kiểu đó, hỏi chúng mở ra cánh cửa đầu tiên về nhận thức và sống làm sao?

Một điều kì lạ nữa, đó là khi dạy con trẻ về các khái niệm cơ bản nhất của triết học, mở ra cánh cửa đầu tiên của chúng, để chúng nhận thức về thế giới, thì câu hỏi ôn tập lại đi soi chiếu vào phân tích truyện thần thoại, ngụ ngôn, tục ngữ và thành ngữ rồi bắt chúng nêu ý kiến về các yếu tố siêu hình, phương pháp luận trong truyện. Đúng là nó gần gũi và dễ hiểu thật nhưng đó không phải là con đường đi của tư duy triết học. Nếu người trẻ hỏi vì sao chúng ta không đa đảng mà độc đảng? Độc đảng cũng là một góc nhìn về tính phiến diện, cô lập, không vận động, không phát triển, áp dụng máy móc đặc tính của sự vật này vào sự vật khác đấy, các vị trả lời sao? Tại sao các vị duy vật mà thờ cúng khắp nơi, cướp ấn đền Trần, khói hương vàng mã?

Sao chúng ta lại có thể làm ác với ngay cả con cháu chúng ta thế được, thưa quý vị? Nó thuần túy chỉ là tri thức thôi mà? Tri thức là nơi mà con người cần nhất ở sự trung thực và liêm chính. Thay vì làm cây cầu nối, mở ra cánh cửa để hướng thế hệ tương lai của chúng ta ra với thế giới thì cách làm giáo dục với tư duy như đã dẫn chỉ có thể làm cho người trẻ chán nản, hướng họ về lũy tre làng hay Sài Đồng, nơi đóng quân của người điên miền Bắc mà thôi.

Hồi xưa dùng máy tính 486, tôi chỉ thích mỗi 2 trò chơi, đó là bóng chuyền và cắt hình. Bóng chuyền thì có 2 con đầu to, đội bóng bên này sang bên kia, cứ chuyền qua chuyền về thế cũng mất cả ngày. Cắt hình thì đa phần ở giữa ai cũng nhận ra là cô gái, càng đi sâu vào áo quần càng giảm. Giờ giáo dục người ta cung cấp cho người trẻ y chang thế, cứ lắc lắc giật giật bên này qua bên kia giữa duy tâm và duy vật rồi quyết duy vật nó tốt. Thế giới bao la, vũ trụ rộng lớn là thế, đúng ra cha mẹ thương con, thế hệ đi trước có trách nhiệm với thế hệ đi sau, phải bằng cách dùng hết khả năng hiểu biết và trí tuệ của mình, cung cấp cho người trẻ phần nào một cái nhìn về thế giới muôn màu và rộng lớn thì người ta lại chơi trò cắt hình, chỉ hé mỗi cái chân trắng thôi, rồi diễn nó ra rằng đó là một cô gái đẹp, hoặc một cái chân đen thôi, rồi diễn ra rằng đó là một ác nhân. Xin thưa rằng chân trắng có khi là kẻ giết người không ghê tay còn chân đen có khi là của lãnh tụ Nam Phi Nelson Mandela cũng nên.

Nếu thực sự thương cho thế hệ tương lai của chúng ta, mong rằng chúng có thể tốt hơn thế hệ đi trước như câu nói "con hơn cha là nhà có phúc" thì thay vì ném cho chúng một cái nhìn méo mó, lệch lạc và bệnh hoạn về thế giới này, xin hãy cung cấp cho chúng một thế giới quan nguyên mẫu và hoàn bị. Nếu không đủ trình độ để làm việc đó, hãy cung cấp cho chúng nguyên trạng của thế giới như nó vốn thế, có danh mục tham khảo, có hướng dẫn nguyên bản để chúng tự mình đi tìm hiểu và khám phá.

Nếu quý vị là con người, quí vị phải nhìn thấy được rằng xã hội chúng ta đang tạo dựng ra cho con cháu có quá nhiều sự dối trá, ngụy biện và phiến diện. Hệ quả của nó chính là sự xuống cấp của các chuẩn mực đạo đức và băng hoại về lối sống. Và nên hiểu rằng chúng còn quá non trẻ và lệ thuộc vào điểm số nhưng chúng là tương lai của đất nước chúng ta, là con cái của chúng ta chứ không phải là những con rô-bốt thủ đắc trong một vương quốc rô-bốt.

Thưa các vị, thế hệ chúng ta đã quá què quặt về nhận thức rồi, xin hãy nương tay với tương lai, đừng vì sự u tối mê muội và ngu dốt của chính mình mà biến thế hệ tương lai thành ra con tinh trùng cụt đuôi, thay vì thành một con người.

P/S: Vì khuôn khổ của một stt nên tôi không dẫn toàn bộ những kiến thức thiếu chặt chẽ, lệch lạc và không có giá trị. Ai quan tâm thì đọc, ai có con đang học lớp 10 thì làm ơn bảo với con là chúng viết tào lao đấy, không thích đừng có đọc, còn thế giới có vài ngàn người như Mác hoặc hơn Mác, không hơn đâu.

Nguồn: https://www.facebook.com/le.dung.98499/posts/10155768891167221

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn