Ông Trọng thắng hay thua vụ Trịnh Xuân Thanh?

Nguyễn Anh Tuấn

Niềm hân hoan, phấn khích sau khi bắt được "con cá không quá to nhưng láu" Trịnh Xuân Thanh đã nhanh chóng nhường chỗ cho nỗi hoang mang, lo âu trước phản ứng quyết liệt của người Đức đối với việc cựu quan chức Việt Nam này bị bắt cóc ngay trên đất của họ – sự sỉ nhục đối với bất kì quốc gia có chủ quyền nào.

Một sĩ quan tình báo ở Sứ quán Việt Nam đã bị buộc yêu cầu rời khỏi Đức, song đây chỉ là động thái bước đầu mang tính biểu tượng. Điều đáng lo ngại thực sự nằm ở "những hành động khác ở cấp độ chính trị, kinh tế và chính sách phát triển" mà Chính phủ Đức bảo lưu quyền thực hiện, được nêu ra trong tuyên bố chính thức của họ, trong trường hợp yêu cầu giao trả Trịnh Xuân Thanh về Đức không được phía Việt Nam đáp ứng.

Danh dự Tổng Bí thư dĩ nhiên không cho phép đòi hỏi này đáp ứng. Nghĩa là gần như chắc chắn Việt Nam sẽ không thoát khỏi những trừng phạt từ người Đức.

Trừng phạt ấy có thể là gì? Và nó có ảnh hưởng gì đến chính trị nội bộ Việt Nam?

Đầu tiên, và quan trọng nhất hiện nay, chính là Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu (EU) mà Đức là lãnh đạo hàng đầu. EU hiện là nhà nhập khẩu lớn thứ hai của Việt Nam nên Hiệp định này đang được cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đặt nhiều kì vọng, nhất là sau cái chết của TPP. Cộng đồng doanh nghiệp trước đây không trách Chính phủ Việt Nam khi TPP chết yểu vì lí do chính là sự rút lui của Mỹ sau khi Trump lên Tổng thống; tuy nhiên, nếu vụt mất FTA lần này vì bị Đức trừng phạt thì Chính phủ Việt Nam sẽ khó tránh khỏi áp lực từ cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước vì nguyên nhân bây giờ hoàn toàn mang tính chủ quan. Điều này, một khi cộng hưởng với tình trạng khó khăn trong tăng trưởng của nền kinh tế hiện nay, sẽ bắt đầu thổi hơi nóng chính trị vào Ba Đình. Đón luồng hơi trực tiếp không ai khác chính là Tổng Bí thư.

Đòn trừng phạt thứ hai, hứa hẹn nhiều dư vang hơn, sẽ liên quan tới tình hình trên biển Đông. Mọi nỗ lực của Việt Nam kêu gọi các bên tuân thủ luật pháp quốc tế trong vấn đề biển Đông ít nhất sẽ bị Đức (và cả Liên minh châu Âu mà nước này đang dẫn dắt) phớt lờ hoặc coi là lố bịch một khi Việt Nam đã chứng tỏ họ sẵn sàng bất chấp luật pháp quốc tế để đạt được mục đích của mình, ngay trên đất Đức, ngay trên đất châu Âu. Theo đó, lập luận chính của Việt Nam đối với vấn đề biển Đông sẽ trở nên yếu ớt vô cùng; và họ cũng chẳng còn tư thế nào phản đối việc Trung Quốc chơi luật rừng trên biển, khi đây cũng là thứ luật mà họ vừa áp dụng ngay trước mắt cộng đồng quốc tế.

Vậy là, nỗ lực của biết bao người nhằm mở rộng giao thương và củng cố lập trường biển Đông của Việt Nam trên trường quốc tế bỗng dưng đổ sông đổ biển chỉ để thoả mãn tự ái của một người.

Những ủy viên Trung ương vốn lâu nay thấp thỏm mình là chuột hay bình dưới thời "đánh chuột không vỡ bình" của Tổng Bí thư sẽ nhanh chóng tập hợp thành một liên minh xung quanh hai hồ sơ quan trọng này (kinh tế và biển đảo) để chất vấn năng lực cầm quyền của Tổng Bí thư, tiến tới giáng những đòn quyết định vào chiếc ghế của ông trong những kì Hội nghị Trung ương gần nhất tới đây.

Áp lực chính trị không phải từ một đầu lãnh hay một phe mà là một liên minh kiểu này không dễ bị hóa giải chỉ bằng việc thao túng các quy chế nội bộ trong đảng – điều ông Trọng thường làm một cách thành thạo. Chỉ có thể chống lại áp lực này nếu sau lưng ông Trọng là một khối quần chúng đông đảo ủng hộ ông trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Ông Trọng có vẻ đang dần nhận ra tầm quan trọng của điều này khi trong phiên họp gần đây nhất của Ban chỉ đạo TƯ Phòng chống tham nhũng, ông nói: "Chống tham nhũng đã trở thành phong trào, xu thế của cả xã hội". Hẳn chính ông Trọng cũng lờ mờ nhận ra câu nói này của ông có vẻ phản ánh một mơ ước nhiều hơn là nhận định thực tại. Chẳng hề có một phong trào, xu thế chống tham nhũng nào trong xã hội cả, họa chăng chỉ có trong đảng, và là vỏ bọc cho các xung đột phe phái. Trớ trêu thay, chính việc trì hoãn cải cách chính trị mà ông Trọng chủ xướng lại ngăn ông có một khối hậu thuẫn quần chúng như thế.

Vậy thì chờ xem, kì Hội nghị Trung ương tới đây, ông Trọng sẽ làm gì để đối phó với các đồng chí trên tay cầm hồ sơ kinh tế và biển đảo ở trên lăm le hất ghế ông?

N.A.T

Nguồn: https://www.facebook.com/nguyen.anh.tuan8690/posts/1823212564360295

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn