Lại nói tới hòa giải dân tộc

Nguyễn Hữu Bính

Là người Việt tự nhận thuộc thành phần Dân tộc, thành phần nạn nhân của cuộc chiến Quốc – Cộng, đang sống lưu vong ở Mỹ. Tuy mang nhiều quốc tịch nhưng vẫn thừa nhận: Chỉ có Việt nam là Tổ Quốc duy nhất của mình. Mỗi lần nghe tin chiến sự ở Syria hay Iraq lòng không khỏi bùi ngùi lo lắng nghĩ đến quê hương. Nơi ấy tôi sinh ra và lớn lên với bao nhiêu kỷ niệm khó quên, vui có buồn có. Nghĩ đến dân tộc với họ hàng thân thích, với mồ mả ông cha, với xóm giềng đã một thời tắt lửa tối đèn có nhau. Nghĩ đến chiến tranh rồi sẽ do hận thù chưa được hóa giải, lại bùng cháy trên quê hương Việt nam. Một thứ hận thù giả tạo do hệ lụy của chiến tranh lạnh nhào nặn nên. Là anh em ruột thịt nhưng kẻ giàu người nghèo, được kích động thành kẻ thù giai cấp phải giết nhau cho bằng được. Trớ trêu thay chín mươi lăm phần trăm những người bị giết trong cải cách ruộng đất lại là những người đi theo kháng chiến. Là anh em cùng cha mẹ sinh ra, nhưng thời thế xô đẩy kẻ bên này người bên kia chiến tuyến, nay thành kẻ tử thù thề truyền đời nối kiếp phải một mất một còn. Hằng triệu người dân Việt đã phơi thây trên chiến địa. Khốn thay bên cạnh những xác chết ấy là những vũ khí, nếu không phải của Liên Xô thì lại là của Mỹ.

Ai phải chịu trách nhiệm gây nên cảnh nồi da xáo thịt này?

Chiến tranh lạnh đã chấm dứt, các thế lực đế quốc kẻ chủ mưu gây nên cuộc chiến tranh tàn phá mảnh đất thân yêu này đều đã rút quân ra khỏi Việt nam. Những hồ sơ về cuộc chiến tranh uỷ nhiệm này đã được cả hai bên giải mật. Những tập hồi ký của người trong cuộc đang được bầy bán công khai trên các kệ sách, nên sự thật không cách gì chối cãi được. Thoạt đầu cả Quốc lẫn Cộng đều có những lý do chính đáng để chống nhau, nhưng cả hai đều dựa vào ngoại bang để có sức mạnh chống nhau. Nên từng bước phụ thuộc ngoại bang, rồi lệ thuộc ngoại bang và cuối cùng trở thành công cụ của ngoại bang. Chủ quyền quốc gia mất đi từ đấy, độc lập chỉ còn là cái bánh vẽ. Nên cái chính không chính hẳn, cái tà cũng không tà hẳn. Cái công chưa chấc thế đã là công, cái tội chưa hẳn đó là tội. Cái công cái tội, cái chính cái tà, cái thật cái gỉa hòa quyện vào nhau đã nhấn chìm dân tộc Việt trong bể máu huynh đệ tương tàn. Suốt ba mươi năm khói lửa và kéo dài tới tận ngày nay, hận thù vẫn được cả hai bên nuôi dưỡng, coi đó là sức mạnh tạo nên quyền lực của nghệ thuật chia để trị. Thỉnh thoảng người dân lại thấy lóe lên lời kêu gọi “Hòa hợp hòa giải dân tộc” nhưng rồi vụt tắt. Vì chỉ là chiêu bài, nên không có những bước đi cụ thể. Những nguyên nhân gây nên hận thù trong dân tộc không có trong chương trình ngḥi sự, nên những biện pháp hóa giải để triệt tiêu những nguyên nhân ấy không được mang ra bàn bạc. để từng bước tiến tới hòa hợp hòa giải dân tộc. Mà chỉ thấy những lời phát biểu mang tính “Mẹ hát con khen hay” thật trơ trẽn. Là hình thức chiêu hồi nên chỉ chiêu mộ được những kẻ “Xin ngả mũ cúi chào”. Những người biết xấu hổ đều ngoảnh mặt làm ngơ với cái trò rẻ mạt ấy.

Thế giới nay đang hình thành một trật tự mới. Nhóm Tân bảo thủ lên cầm quyền ở Mỹ đang đánh canh bạc tháo cáy: Xóa bài làm lại từ đầu để chia đôi thiên hạ. Luân Đôn đang ve vãn Bắc Kinh để hình thành trục thứ ba. Mộng bá chủ của Trung quốc ngày càng quyết liệt. Biển Đông với vị trí địa chính trị và quân sự quan trọng, nên giai đoạn này vẫn là nơi tranh chấp cho quyền lực của sự hình thành trật tự mới thế giới. Trong đó Việt Nam rồi đây sẽ thực sự là trọng điểm của cuộc tranh chấp này. Do bờ biển dài hơn ba ngàn cây số, ở vị trí là cửa ngõ tiến vào Nam Á, là con đường di dân xuống phía nam của bọn bành trướng Phương Bắc .

Vì thế Việt nam đang phải đối diện với nhiều bất trắc, thuận có nghịch có. Giữ được nước hay không đang là thách đố trong giai đoạn này. Nên hòa giải dân tộc là nhu cầu sống còn của toàn dân tộc, không phải của riêng phe phái nào .

Lúc này nhẫn để chờ thời là cái dũng của người quân tử. Nhưng nhẫn để cầu an lại là cái hèn của kẻ tiểu nhân. Nên “Ba không một có” do một số nhà nghiên cứu chiến lược trong nước đề ra là rất đáng hoan nghênh. Nhưng vẫn thụ động, cái “có” vẫn phải trả giá và sai lầm về binh pháp, vì: Lấy cái yếu < quân sự > của mình làm chủ lực, để chống cái mạnh < vũ khí > của kẻ thù. Sở trường chiến tranh nhân dân không được đề cập tới. Vì sao ?

Lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt đã để lại những bài học vô cùng qúy giá. Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau này đã vận dụng thành công trong nghệ thuật chiến tranh nhân dân. Đó là : Huy động mọi khả năng trong dân chúng thực hành sách lược toàn dân toàn diện chống ngoại xâm. Để hình thành thế trận thiên la địa võng xuất qủy nhập thần, đẩy đối phương vào thế tứ bề thọ địch, căng mỏng đối phương để lấy yếu diệt mạnh. Nắm thắt lưng địch mà đánh để hạn chế ưu thế của phi pháo. Nên nắm quyền chủ động trên chiến trường .

Nhưng muốn huy động được sức dân, trước hết phải thu phục được lòng dân. Hiểu được điều đó nên Hồ Nguyên Trường đã nói với Hồ Qúy Ly: Không sợ giặc mạnh, chỉ sợ lòng dân không thuận. Do không có lòng dân nên Hồ Qúy Ly tuy biết mà không vận dụng được sở trường chiến tranh toàn diện của dân tộc để chống sở đoản chiến tranh phi nghĩa của quân xâm lược. Nên họ Hồ chỉ còn biết dựa vào vũ khí, dùng trận địa chiến để chống nhau với giặc, vì thế đã thua nhục nhã.

Lúc này nêu vấn đề hòa hợp hòa giải để vận dụng được sở trường nghệ thuật quân sự của dân tộc là rất thức thời cần đước hoan nghênh. Nhưng nếu đây là trò chiêu hồi thì chỉ làm lãng phí công qũy, khi kinh tế trong nước đang còn nhiều khó khăn.

N.H.B.

Nhà nghiên cứu lịch sử để tìm giải pháp cho Việt Nam

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn