Phía sau những cuộc đấu tranh giữ đất

Cát Linh/RFA

Quan điểm của mẹ em đã xác định là cuộc đấu tranh này không phải là đấu tranh với 1 hệ thống cường quyền cướp bóc, nó như 1 tổ chức mafia, nó có thể ám sát, thủ tiêu. Nó có thể gây cho mẹ em những sự khắc nghiệt nhất, cho cả những người con. Nhưng mẹ em chấp nhận. Từ nhỏ mẹ em luôn dạy cho anh em tụi em là sống ở đời cho có ý nghĩa. Và nếu như phải chết thì phải chọn cái chết có ý nghĩa nhất” - Trịnh Bá Phương.

Một chế độ bị chính những con người sinh ra từ trong lòng chế độ đó coi là mafia thì chế độ có còn tính chính danh không?

Có còn tính chính nghĩa không?

Có thể gọi là một chế độ chăn dắt dân chúng sống an ninh và thiện lương theo chuẩn mực hệ thống đạo đức truyền thống được xã hội từ xưa đến nay chấp nhận?

Chế độ đó có đặt ra 2 mục tiêu cơ bản sống còn của sức khỏe thể chất và tinh thần dân tộc: một nền giáo dục phổ thông miễn phí và một nền y tế khám chữa những bệnh thông thường cho toàn dân miễn phí?

Trả lời theo thói quen thì chắc chưa dứt khoát được không hay , nhưng theo mách bảo của trái tim mẫn nhuệ thì phải quả quyết rằng KHÔNG. Thực tế chẳng cho thấy tiền trả cho giáo dục phổ thông đang tăng chóng mặt, còn y tế thì không những phải trả tiền mà người chỉ có thu nhập tối thiểu là đại đa số dân chúng vẫn cứ thường xuyên ba, bốn người nằm chung trên một giường? Đất công cũng như đất cha truyền con nối của dân đang bị bán đổ bán tháo cho các doanh nghiệp nhiều tiền lắm bạc, ngay đến cả những nơi mồ mả thiểng liêng, cả những khu vực nhà máy, chợ cổ truyền, công viên, công sở ngon mắt giữa Thủ đô Hà Nội?

Vậy chế độ đó còn lại được cái gì nếu chẳng phải là chính nó đang ngày một làm sống dậy, hằn đậm vào đầu óc nhân dân câu ca dao những tưởng đã được quên đi cùng với ngọn cờ đỏ do nó phất lên từ hơn 60 năm trước:

Con ơi nhớ lấy câu này,

Cướp đêm là giặc cướp ngày là quan.

Bauxite Việt Nam

clip_image001

Bà Cấn Thị Thêu tại tòa phúc thẩm ở Hà Nội hôm 30/11/2016. AFP PHOTO

Phiên toà xử phúc thẩm bà Cấn Thị Thêu, người kiên quyết đấu tranh chống thu hồi đất bất công và đòi công lý ở Việt Nam, diễn ra ngày 30 tháng 11 với kết quả y án 20 tháng tù giam. Đây là phiên toà mà truyền thông xã hội gọi là ‘dân oan giữ đất’, còn toà án Việt Nam thì gọi là ‘bị cáo gây rối loạn trật tự công cộng’ theo luật Hình sự Việt Nam.

Lý do gì mà những bị cáo dân oan ấy chấp nhận đánh đổi tự do để giành lại [đất]? Lý do gì mà những người con của họ, là những thanh niên trẻ đã chọn hai chữ “dấn thân” để tiếp bước dù có phải chịu tù đày?  Những người trong cuộc nói gì?

“Xuất phát từ tình cảm tình làng xóm, cũng như cảm thấy là cái trách nhiệm, với sức trai trẻ thì có sức nào thì cũng mong muốn đóng góp làm cái việc có ích cho xã hội”

Đó là lời của Trịnh Bá Phương, con trai của người tù dân oan Cấn Thị Thêu vừa bị kêu y án sơ thẩm 20 tháng tù giam ngày 30 tháng 11 vừa qua.

Từ sợ ‘công an’

Cuộc đấu tranh của bà cùng người dân Dương Nội không những không dừng lại từ ngày bà bị bắt giữ vào năm 2014 vì chống lại nhà cầm quyền cưỡng chế đất, mà ngược lại, ngôi làng Dương Nội ở ngoại thành thủ đô Hà Nội đã trở thành một trong những câu chuyện tiêu biểu cho cuộc đấu tranh chống cường quyền.

Em vẫn còn nhớ cảm giác ngày nhỏ, em thấy công an đến nhà rất đông. Có lúc họ đậu xe ở hai đầu đường rất xa, đến để gây áp lực cho mẹ em. Anh em tụi em khi ấy còn nhỏ vẫn còn sợ công an lắm - Trịnh Bá Phương.

Đặc biệt, là hai người con của bà, Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư từ những cậu bé tự nhận là ‘sợ công an’ nay đã trở thành người lên tiếng cho hơn 300 hộ gia đình người dân Dương Nội sau khi bà Cấn Thị Thêu bị bắt lần đầu vào năm 2014.

“Em vẫn còn nhớ cảm giác ngày nhỏ, em thấy công an đến nhà rất đông. Có lúc họ đậu xe ở hai đầu đường rất xa, đến để gây áp lực cho mẹ em. Anh em tụi em khi ấy còn nhỏ vẫn còn sợ công an lắm”.

Theo lời Bá Phương kể lại, từ lúc nhỏ, ba anh em của họ đã được bố mẹ hướng theo con đường ăn học. Bá Tư tốt nghiệp Trường Đại học thể dục thể thao Bắc Ninh chuyên về võ thuật Vovinam. Người em gái học Cao đẳng Điện lực. Riêng Bá Phương thì tự nhận mình thích hợp với việc kinh doanh, buôn bán.

Thành người tranh đấu

Từ những thanh niên với ước mơ và những đam mê hữu ích, khi nhìn thấy những bất công diễn ra với gia đình, thôn làng của mình, họ đã không thể ngồi yên. Trịnh Bá Tư cho biết ngày 25 tháng 4 năm 2014 là một bước ngoặt trong cuộc đời của anh.

clip_image005

Lực lượng cưỡng chế phong tỏa đường Lê Trọng Tấn để giải tỏa đất ở Dương Nội, sáng 25/04/2014. Photo by Mai Dũng

“Ngày 25 tháng 4 là một bước ngoặt đối với em và gia đình em. Trong ngày 25 tháng 4 năm 2014 họ đã sử dụng lượng công an, dân phòng, côn đồ bắt giữ người dân Dương Nội, đặc biệt là họ đánh đập mẹ em. Sau đó họ bỏ tù mẹ em. Rồi lại tiếp tục đánh đập gia đình em gồm anh trai em, em rể em và cả em nữa.

Với suy nghĩ của em thì em không thể nào chấp nhận để cho họ tự do đánh đập và bỏ tù người thân và bản thân em nữa. Em sẽ kiên quyết đấu tranh chống lại những sai trái, bất công của chế độ công sản này đến cùng”.

Trịnh Bá Phương thì tự nhận rằng ba anh em họ đã có rất nhiều thay đổi từ ngày bố mẹ đi tù. Khi tìm hiểu về con đường mà bố mẹ của họ đã chọn, về những người dân mà bố mẹ của họ đã đứng lên để bảo vệ, anh em của họ đã nhìn rõ hơn, thấu hiểu sâu hơn cuộc sống của người dân trong làng Dương Nội:

“Sau khi bố mẹ em bị bắt thì em thấy trách nhiệm của người con thì không muốn để cho sự hy sinh của bố mẹ em, con đường của bố mẹ em bị dang dở, nên anh em chúng em cùng đứng lên để nối tiếp con đường của bố mẹ em. Mặc dù bố mẹ ở trong tù, thì anh em bọn em ở bên ngoài cố gắng làm tất cả để cho những sự hy sinh của bố mẹ không vô ích”.

“Cá nhân em thì có suy nghĩ là những người dân oan như người dân ở Dương Nội rất khổ cực. Cuộc sống của họ vô cùng khó khăn, lâm vào cảnh bi đát do sự tàn bạo của nhà cầm quyền gây cho người dân, đã cướp bóc hết nguồn sống của người dân cũng như cướp đi cả tương lai của con em người dân Dương Nội”.

Nếu phía Bắc có anh em họ Trịnh thì miền Nam có em Nguyễn Mai Trung Tuấn ở thị trấn Thạnh Hoá, huyện Thạnh Hoá, Long An cũng đồng cảnh ngộ. Ngày 24 tháng 11 năm 2015, khi những thanh niên cùng lứa tuổi mới lớn đang trong tâm trạng háo hức đón chờ năm mới, thì Nguyễn Mai Trung Tuấn chỉ có một ước mơ đơn giản:“Con muốn được trở về nhà để tiếp tục đi chăn vịt, lấy tiền nuôi em ăn học”.

Nguyễn Mai Trung Tuấn, mới 15 tuổi đã phải chịu bản án 4 năm 6 tháng tù giam vì tội “cố ý gây thương tích”. Cậu bé, ở cái tuổi ‘ăn chưa no, lo chưa tới’ bị cho là phạm tội trước toà vì có hành vi ‘chống lại đoàn cưỡng chế’, để “bảo vệ quyền tài sản hợp pháp của gia đình khi bị cưỡng chế.

Cô em gái 8 tuổi của “tội phạm bất đắc dĩ” Nguyễn Mai Trung Tuấn là Thảo Ly trả lời những người quan tâm đến vụ án của anh mình rằng:

“Mình không có tội, mình không được nhận tội, bởi vì cái việc làm đó là bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho gia đình mình, chứ mình không làm cái gì sai cả. Nếu tòa vẫn kết tội anh hai thì em nghĩ đó là họ (Tòa án) ép, họ xử không đúng luật”.

‘Sống cho có ý nghĩa’

Từ nhỏ mẹ em luôn dạy cho anh em tụi em là sống ở đời cho có ý nghĩa. Và nếu như phải chết thì phải chọn cái chết có ý nghĩa nhất - Trịnh Bá Phương.

Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư, hay anh em Nguyễn Mai Trung Tuấn hoàn toàn có quyền im lặng trước hành vi của nhà cầm quyền, nghĩa là chấp nhận sự bồi thường đổi lấy mảnh đất của họ để có cuộc sống yên bình. Nếu như thế, Trịnh Bá Tư có thể sẽ trở thành một võ sư Vovinam tài ba? Trịnh Bá Phương có thể là một nhà kinh doanh như anh mong muốn? Hay cậu bé Nguyễn Mai Trung Tuấn sẽ tiếp tục những tháng ngày bình yên bên đàn vịt của mình?

Tất cả sẽ không khó khăn như cuộc sống hiện tại mà Trịnh Bá Phương kể lại cho chúng tôi:

“Từ năm 2014, sau khi ba mẹ ở tù thì ba anh em của em làm các công việc đồng áng, trồng các loại cây ăn quả và bán thêm 1 số loại cua đồng để kiếm thêm thu nhập tự mưu sinh cuộc sống và cũng là lo tiếp tế cho ba mẹ đang ở trong chốn lao tù”.

Và bà Cấn Thị Thêu cũng không phải lau những giọt nước mắt khi nghe luật sư biện hộ nhắc đến con trai của mình:

“Luật sư Ngô Tuấn có vào gặp mẹ em cùng với luật sư Lê Luân, có nói về tương lai của anh em bọn em như vậy… mẹ em đã gạt những giọt nước mắt. Mẹ em rất thấu hiểu là ba anh  em tụi em gặp rất nhiều trở ngại về tương lai. Tuy nhiên đó là cảm xúc của 1 người mẹ. Quan điểm của mẹ em đã xác định là cuộc đấu tranh này không phải là đấu tranh với 1 hệ thống cường quyền cướp bóc, nó như 1 tổ chức mafia, nó có thể ám sát, thủ tiêu. Nó có thể gây cho mẹ em những sự khắc nghiệt nhất, cho cả những người con. Nhưng mẹ em chấp nhận. Từ nhỏ mẹ em luôn dạy cho anh em tụi em là sống ở đời cho có ý nghĩa. Và nếu như phải chết thì phải chọn cái chết có ý nghĩa nhất”.

Những lời chia sẻ của người trong cuộc cho thấy rằng, có phải nếu những câu chuyện buồn về đất vẫn còn diễn ra ở Việt Nam thì sẽ có thêm nhiều Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư, hay Nguyễn Mai Trung Tuấn? Những người đấu tranh không phải chỉ riêng cho giá trị của mảnh đất thân yêu của họ, mà vì cho sự công lý có vẻ vẫn còn rất xa vời.

C.L.

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/behind-landgrab-protest-cl-12012016221401.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn